Đạo Của Vật Lý
Nguyễn Tường Bách
486 page
Thế giới
13 x 20.5 cm
Đạo Của Vật Lý
Đạo Của Vật Lý
"Đặc trưng của nền vật lý hiện đại trong thế kỷ 20 là sự tìm kiếm nguồn gốc khởi thủy của vật chất, cố tìm ra những "hạt cơ bản" cuối cùng tạo nên nguyên tử. Thế nhưng, khi đến cánh cửa cuối cùng mở ra để thấy bộ mặt thật của vật chất, nhà vật lý phát hiện vật chất hình như không phải do những hạt cứng chắc tạo thành nữa, mà nó chỉ là dạng xuất hiện của một thực tại khác. Vì thế mà vật chất mang những tính chất hầu như đối nghịch nhau, nó vừa liên tục vừa phi liên tục, vừa hữu hiện vừa phi hữu hiện, dạng xuất hiện của nó tùy theo cách quan sát của con người. Những tính chất lạ lùng đó đưa ngành vật lý vào thẳng cửa ngõ của triết học: nền vật lý hiện đại vừa thống nhất và lý giải nhiều khái niệm cơ bản của triết học, vừa đề ra những câu hỏi lớn của loài người mà các nhà đạo học từ xưa tổng kết. Và kỳ lạ thay, những phát hiện hiện nay của nền vật lý hiện đại không khác bao nhiêu so với những kết luận của các thánh nhân ngày xưa.
Vì những lẽ đó, trước Capra đã có nhiều nhà vật lý xuất sắc của thế kỷ này đến với triết học, nhất là các nhà sáng lập thuyết tương đối và thuyết lượng tử. Họ tìm thấy ở triết học phương đông một thế giới quan hết sức phù hợp để soi rọi cho những vấn đề nan giải của vật chất đề ra. Thế nhưng, với cuốn sách này của Capra, ta có một cái nhìn tổng thể về những thành tựu của vật lý học, về những vấn đề lớn hiện nay làm cho vật lý bị giam trong một cuộc khủng hoảng về nhận thức luận, và về những sự tương đồng nổi bật với các triết lý phương Đông.
Với tính cách là một giáo sư vật lý, Capra trình bày được một cách cặn kẽ khúc chiết các vấn đề vật lý. Tác giả cũng trình bày khá sâu và chính xác về các nền đạo học phương Đông như Ấn Độ giáo, Phật giáo, Lão giáo. Nhờ am hiểu hai nền học thuật đó mà tác giả cuốn sách này mang lại cho người đọc, dù người đó đến từ phương trời nào, rất nhiều điều bổ ích. Người đọc có kiến thức đạo học phương Đông sẽ nhận thấy, đối với luận đề này, triết lý phương Đông còn cống hiến nhiều hơn nữa so với những gì trong sách trích dẫn".
(Nguyễn Tường Bách)