TẾT!
Translator:
Hà Nguyễn
Hà Nguyễn
No. pages:
234 page
234 page
Procedures:
21 x 14 cm
21 x 14 cm
TẾT!
Translator: Hà Nguyễn
No. pages: 234 page
Procedures: 21 x 14 cm
Đêm giao thừa 50 năm trước, những lời thơ chúc tết của Bác trên làn sóng phát thanh đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho quân dân ta trước thềm cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Cuộc tổng tấn công đã làm rung chuyển hầu như tất cả các đô thị ở miền Nam Việt Nam, gây chấn động nước Mỹ và thay đổi cục diện chiến tranh.
Đối với người Mỹ, mỗi khi nhắc đến từ “Tet” người ta sẽ liên tưởng ngay tới cuộc tổng tấn công vào dịp Tết Nguyên đán năm 1968 ở miền Nam Việt Nam. Đó là lý do vì sao tác giả Don Oberdorfer đã dùng “Tet!” làm tựa đề cho cuốn sách của mình. Chương đầu tiên của cuốn sách viết về cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn - trận đánh có ít người tham gia, ít thương vong nhưng lại gây chấn động dư luận Mỹ. Bảy chương tiếp theo viết về quá trình lên kế hoạch cho cuộc tổng tấn công; về cuộc chiến đấu ở Sài Gòn, Huế, Đồng bằng sông Cửu Long… Cùng với những miêu tả vùng chiến sự ở Nam Việt Nam là những miêu tả về một cuộc chiến khác: cuộc chiến trong lòng nước Mỹ. Ở đó, người dân Mỹ bàng hoàng nhận ra lâu nay họ hoàn toàn bị lừa dối bởi những lời tuyên truyền của chính phủ về “chiến thắng trong tầm tay”. Sự kiện “Tết” đã làm họ tỉnh thức, ngày càng có nhiều nghị sĩ, nhà hoạt động chính trị đứng về phía người dân đấu tranh đòi chính quyền của tổng thống Johnson giảm bớt sự can dự của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Trước áp lực ngày một gia tăng, tổng thống Johnson buộc phải đưa ra những thay đổi sâu rộng trong chính sách quân sự, xuống thang chiến tranh và quyết định không tham gia tranh cử nhiệm kỳ tiếp theo.
Trong Lời nói đầu viết cho lần xuất bản năm 1971, Don Oberdorfer cho rằng: “miêu tả hành động quân sự mà không đề cập những hệ quả chính trị mà nó tạo ra hoặc miêu tả hành động chính trị mà không nói đến những chuyển biến trên chiến trường thì cũng như đã bỏ qua một nửa của câu chuyện”. Với cách xâu chuỗi các sự kiện cùng lối viết xen kẽ trong cuốn sách này, Don Oberdorfer đã nói được trọn vẹn cả hai phần của câu chuyện “Tết”.Don Oberdorfer đến miền Nam Việt Nam từ năm 1965 với vai trò là phóng viên của tờ Washington Post. Một tháng trước khi xảy ra cuộc tấn công “Tết”, ông quay trở lại Nam Việt Nam và ở lại đây dõi theo những diễn biến của cuộc tấn công. Cuối năm 1969, tờ Washington Post tiếp tục cử Don Oberdorfer đến Việt Nam và trong dịp này ông đã gặp gỡ nhiều nhân vật, thu thập thêm nhiều tài liệu. Don Oberdorfer đã chấp bút viết nên bản thảo cuốn sách này ngay khi trở về Mỹ năm 1970 khi cuộc tấn công Tết kết thúc chưa lâu, những nhân chứng chưa biến mất và ký ức về cuộc tấn công chưa kịp phai nhạt! Bởi vậy những miêu tả của ông trong cuốn sách rất sống động và chi tiết.Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên năm 1971, năm 2001 Nhà xuất bản Đại học Johns Hopkins tái bản mà không có bất kỳ sự chỉnh sửa, bổ sung nào. Điều này được Don Oberdorfer giải thích trong Lời nói đầu: “mặc dù nhiều chi tiết đã trở nên sáng tỏ hơn trong những thập kỷ gần đây, nhưng không có ai đưa ra một sự thay đổi về cơ bản nào đối với những miêu tả trong bản in đầu tiên”. Và cho đến nay, cuốn sách của Don Oberdorfer vẫn được đánh giá là một trong những cuốn sách hay nhất của người Mỹ viết về cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968.
Cuốn sách Tết! mà bạn đọc đang cầm trên tay là bản lược dịch của dịch giả Hà Nguyễn một phần nội dung cuốn Tet!. Bản lược dịch này đã được Nhà xuất bản Tổng hợp An Giang ấn hành năm 1988, trong đó, dịch giả Hà Nguyễn tập trung dịch những phần viết về các hoạt động quân sự nổi bật, những tác động của cuộc tấn công Tết đối với dư luận và chính trường Mỹ. Trong lần xuất bản này, chúng tôi chuyển tất cả danh từ riêng về nguyên bản tiếng Anh; đồng thời bổ sung thêm một số hình ảnh có trong bản tiếng Anh và một số hình ảnh do chúng tôi sưu tầm thêm để minh họa cho nội dung của cuốn sách.