Trong Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng viết về “mười hai cuộc đổi thay tiết trời, mười hai sự rung động uyển chuyển của năm tháng, của chim muông, của sắc đẹp, của hoa lá, của thương yêu, tình tứ” (Tự ngôn). Không chỉ đầy ắp những cảnh, những tình đắm đuối thiết tha, không chỉ duyên dáng và ý nhị kể biết bao câu chuyện về ẩm thực, thú vui, phong tục của miền Bắc, tùy bút này còn là một điển hình cho phong cách Vũ Bằng, đặc biệt với việc sử dụng câu từ tiếng Việt trong sáng, uyển chuyển, đầy nhạc tính. Một tùy bút đẹp như mơ. Mà đúng là giấc mơ.
Vũ Bằng viết Thương nhớ mười hai hơn một thập kỷ, từ tháng Giêng năm 1960 đến cuối năm 1971, trong căn nhà nhỏ ở Sài Gòn. Từ ngày rời Hà Nội năm 1954, ông chưa từng quay lại. Nửa đời xa quê hương, xa gia đình, xa người vợ tào khang, nhà văn viết chỉ dựa vào ký ức và mộng mơ về ngày cũ. Nửa đời người, Vũ Bằng sống trong nỗi sầu tương tư cố lý chưa bao giờ vơi ngớt.
Được đánh giá là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất viết về Hà Nội, Thương nhớ mười hai đã từng được nhiều nhà xuất bản ấn hành trong những năm qua. Với mong muốn đưa đến tay bạn đọc một ấn phẩm tinh kỹ, trang nhã, trong bản in này, Đông A sử dụng phần văn bản từ cuốn Thương nhớ mười hai in lần đầu năm 1972 của nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng, được bổ sung minh họa cho cả mười ba chương, gồm mười hai chương về mười hai tháng trong năm và chương cuối - “Tết, hỡi cô mặc cái yếm xanh”.