Hồi Ức Của Một Nhà Buôn Tranh
Phạm Minh Quân
402 trang
Thế giới
16 x 24 cm
Hồi Ức Của Một Nhà Buôn Tranh
Chưa bao giờ lịch sử hội họa lại chứng kiến một bước chuyển ngoạn mục, trong một khoảng thời gian ngắn, như giai đoạn giữa thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Ở đó mười năm có thể ví như một thế kỷ. Hội họa, từ lãng mạn, hiện thực và hàn lâm, đã thay đổi cả về kỹ thuật lẫn quan niệm, để mở ra vô vàn bờ bến miên viễn mới – ấn tượng, tượng trưng, lập thể, siêu thực... Có một người đã nghiệm sinh và kể lại những câu chuyện về thời kỳ đặc biệt này, người đó là Ambroise Vollard (1865 – 1939).
Hồi ức của một nhà buôn tranh (Souvenirs d'un marchand de tableaux), được Vollard trình làng vào năm 1937, không đơn thuần chỉ là một hồi ký cá nhân, mà còn cho thấy một chuyển đổi lớn thông qua những câu chuyện nhỏ, một bức tranh toàn cảnh về sự vận động hội họa bấy giờ. Bởi, Vollard là người sống, làm việc, giao hảo và tiếp xúc trực tiếp với ít nhất năm trường phái/thế hệ họa sĩ, từ các bậc thầy tiên phong của trường phái Ấn tượng (Manet, Degas, Monet, Renoir, Sisley), các danh họa hậu Ấn tượng (Cézanne, Gauguin, Van Gogh), cho đến các họa sĩ trẻ thuộc nhóm Les Nabis (Bonnard, Vuillard, Roussel, Denis, Maillol), nhóm Dã thú (Derain, Marquet, Matisse, Vlaminck, Dufy, Rouault) và Lập thể (Picasso, Braque). Mối quan hệ của Vollard đối với họ không chỉ thuần túy là giữa nhà buôn và họa sĩ, rất nhiều trong số họ còn trở thành tri kỷ vong niên với ông.
Sinh ra trên đảo La Réunion, một hòn đảo thuộc địa Pháp hẻo lánh ở Ấn Độ Dương, chàng trai Vollard hăm hở đến mẫu quốc để theo học đại học luật. Tại Paris, lúc bấy giờ là trung tâm hội họa của cả châu Âu lẫn thế giới, Vollard nhanh chóng gác lại việc học tập, lân la đến các quầy bán đồ cũ dọc bờ sông Seine, thu mua tranh và các bản khắc, đến các nhà đấu giá và xin thực tập tại phòng tranh. Đến năm 1893, ông thuê một cửa tiệm nhỏ trên phố Laffitte, vốn được mệnh danh là “phố tranh,” và căn hầm tại nơi đây đã trở thành một địa chỉ giao lưu nổi tiếng của giới văn nghệ sĩ kinh đô ánh sáng. Thập niên 1890 là một buổi giao thời, chứng kiến sự thoái trào của hệ thống các Salon nhà nước bảo trợ, vốn là địa chỉ uy tín cho việc triển lãm và bán tranh quy mô lớn mang tính chất chính thống suốt hơn một thế kỷ. Các Salon, cũng như những bảo tàng lớn ở Paris như Louvre hay Luxembourg, và cả Viện Hàn lâm Nghệ thuật Pháp (Académie des Beaux-Arts) là thành trì kiên cố của phái bảo thủ chiêm bái hội họa hàn lâm và trừ tiệt hội họa Mới. Đối diện, là sự trỗi dậy của các nhà buôn thương mại, những người sẵn sàng khai thác, trưng bày các tác phẩm avant-garde, và tìm cách định vị giá trị cho chúng. Họ góp một nỗ lực không nhỏ trong việc đưa các họa sĩ từ vị trí ngoài lề, ngoại biên về trung tâm tinh hoa để được nhận thức đánh giá một cách đúng đắn.
Vollard, cùng với Paul Durand-Ruel và Georges Petit, là ba nhà buôn tranh có công lớn nhất trong việc xây dựng một thị trường tự do cho các tác phẩm nghệ thuật, đồng thời phát hiện và nâng đỡ các danh họa Ấn tượng thế kỷ XIX. Nhưng khác với hai người trên, Vollard còn là một tác gia, nhà xuất bản và tổ chức triển lãm. Thậm chí, Bách khoa Tự điển Larousse và Bách khoa toàn thư Britannica trân trọng dành riêng cho ông một mục từ vì đóng góp trong các lĩnh vực trên. Vollard từng chấp bút viết chân dung Degas, Renoir và Cézanne. Ông xuất bản các tác phẩm văn học của Baudelaire, Mallarmé, Verlaine với phần minh họa tuyệt hảo bởi các danh họa bấy giờ. Ông cả gan tổ chức triển lãm cá nhân cho Cézanne, Van Gogh tại thời điểm tranh của họ vẫn bị giới phê bình lẫn đại chúng Pháp ghẻ lạnh và chỉ trích. Gauguin, sau khi qua đời, nhờ những triển lãm tri ân của Vollard, tên tuổi đã nổi lên như cồn. Còn Picasso, khi mới 18 tuổi, vô danh, với khoảng một trăm bức họa trong tay, đã từ Tây Ban Nha lặn lội tìm đến Vollard với nguyện vọng được ông tổ chức một cuộc triển lãm. Và với tài nhìn người và niềm tin vào chàng họa sĩ trẻ, ông không hề mảy may do dự. Cho tới khi qua đời, di sản do Vollard để lại là hơn mười nghìn tác phẩm hội họa được cất trữ ở dinh thự trên phố Martignac, sáu album thủ ấn họa và hai mươi ba tác phẩm văn chương được ông xuất bản.
Điểm đặc biệt của Hồi ức của một nhà buôn tranh là sự công tâm và chân thành của người viết. Vollard nói rất ít về mình, và càng không có những nhận định hay dở chủ quan (ông cho rằng đó là việc của nhà phê bình!). Song, qua góc nhìn của một nhân chứng khả tín, chân dung các danh họa hiện lên đầy xác thực và sống động, trên nhiều phương diện như quan niệm sáng tác, thái độ lao động nghệ thuật, cá tính, nhân cách, ứng xử với đồng nghiệp. Không phải họ ngay lập tức gặt hái được quả ngọt thành công và danh tiếng như ở thời hiện đại. Cám cảnh chung của các họa sĩ Ấn tượng là không nhận được sự đón nhận tức thời của công chúng trên chính quê hương của mình, tranh không bán được và tất yếu phải sống trong bần hàn nghèo khó. Không những vậy, bi kịch lớn nhất của họ là chỉ khi qua đời thì tranh của họ mới được nhìn nhận đúng giá trị và ráo riết truy tầm. Bên cạnh đó là những thủ đoạn mánh khóe trong giới buôn tranh, những cuộc ganh đua săn lùng tác phẩm đầy ly kỳ. Câu chuyện không dừng lại ở các họa sĩ, giới chơi tranh, buôn tranh và sưu tập. Hơn thế, nó còn được mở rộng ra cả giới văn nghệ sĩ, thượng lưu, nhà báo, chính khách, tài phiệt để tạo nên một bức tranh văn hóa-xã hội Pháp đầu thế kỷ XX không thiếu những khôi hài nực cười, nhưng cũng rất mang zeitgeist (tinh thần thời đại).