Văn hóa - Di sản
Văn hóa là nguồn vốn để phát triển bản thân
Theo cách hiểu thông thường, nguồn vốn (capital) chỉ bao gồm những yếu tố vật chất như tiền tệ hay bất động sản. Nhưng theo Pierre Bourdieu, văn hóa cũng chính là một dạng vốn mà một cá nhân có thể khai thác để tạo ra những lợi thế to lớn trong xã hội.
Nếu Karl Marx cho rằng kinh tế tạo ra sự phân tầng về giai cấp, thì Bourdieu chỉ ra rằng chính văn hóa cũng là một dạng quyền lực mềm. Theo cách hiểu đó, người nào càng vững chắc về văn hóa thì càng có khả năng chiếm giữ những địa vị cao. Các đề xuất của Pierre Bourdieu được vận dụng trong nhiều nghiên cứu xã hội học và lịch sử đương đại.
Về mặt ứng dụng thực tế, lý thuyết của Bourdieu giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của văn hóa trong việc phát triển con người trong chính những hoạt động thường ngày. Chúng ta cùng điểm qua các trọng tâm trong nghiên cứu của Bourdieu và các nhà xã hội học cùng trường phái.
1. Nguồn vốn văn hóa bao gồm những gì?
Theo Pierre Bourdieu, vốn văn hóa gồm ba dạng như sau:
- Vật thể (objective): những hiện vật hữu hình như sách vở, tác phẩm nghệ thuật mà cá nhân và gia đình lưu trữ
- Nghiệm thân (embodied): những thứ nằm trong con người ta, được tích lũy qua thời gian, gồm kỹ năng ngôn ngữ, cung cách ứng xử, mối quan tâm trí tuệ
- Thiết chế (institutionalised): bằng cấp, chứng chỉ
Những nhà nghiên cứu đi sau đã bổ sung thêm bốn mục:
- Kỹ thuật (technical): kỹ năng quảng bá, kỹ năng công nghệ
- Cảm xúc (emotional): sự cảm thông, san sẻ
- Quốc gia (national): sự thông hiểu về truyền thống
- Tiểu văn hóa (subcultural): những nhóm chuyên biệt được xây dựng trên mối quan tâm chung về một chủ đề cụ thể nào đó
2. Tiếp xúc với nghệ thuật từ thời thơ ấu tạo nên sự tự tin khi trưởng thành
Giáo dục về văn hóa và nghệ thuật có xu hướng bị xem nhẹ hơn so với các môn học khác không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới. Tuy vậy, các nhà xã hội học cho thấy nền tảng văn hóa - nghệ thuật góp phần xây dựng bản sắc cá nhân và tạo ra lợi thế cạnh tranh trong xã hội. Các hệ thống giáo dục top đầu luôn quan tâm xây dựng chương trình văn hóa để hướng đến phát triển toàn diện cho học sinh. Trẻ em được tiếp xúc với nghệ thuật trở nên tự tin hơn trong giao tiếp và phát triển các mối quan tâm toàn diện trong các giai đoạn phát triển về sau.
Bên cạnh các chương trình giáo dục chính quy thì phụ huynh ngày nay thường xuyên chủ động tìm kiếm cơ hội tiếp xúc với văn hóa, nghệ thuật cho con em mình thông qua các chương trình sáng tạo độc lập. Nếu chúng ta đã bỏ mất cơ hội tiếp xúc với văn hóa trong tuổi thơ của mình, thì ngay bây giờ chính là thời điểm tốt thứ hai để làm điều đó.
3. Tinh túy văn hóa nằm trong những thói quen thường nhật
Nếu như ngày trước, mỗi giai tầng có một thị hiếu nghệ thuật riêng thì giờ đây, sự quan tâm văn hóa trở nên rộng mở và phi biên giới hơn bao giờ hết. Một người vừa nghe nhạc cổ điển vừa thưởng thức được vẻ đẹp mang tính phá cách của Rap cũng không có gì là mâu thuẫn. Xu hướng phẳng ngày nay đang tạo điều kiện cho những người có tư duy phổ quát như vậy tỏa sáng. Họ là những người giao tiếp cuốn hút và khiến mọi người yêu mến vì sở học của mình, dù là trò chuyện cùng bạn bè, đi phỏng vấn xin việc hay giao lưu cùng đối tác. Để trở thành một người phổ quát về văn hóa thì cách tốt nhất là bắt đầu tìm hiểu từng chút một và để cho văn hóa nghệ thuật hiển hiện trong những khoảnh khắc thường ngày, đến một lúc chúng sẽ thấm nhuần và trở thành bản sắc của ta.
4. Tăng cường giao lưu trong các nhóm tiểu văn hóa tạo ra mối liên kết xã hội
Trong các loại vốn văn hóa được liệt kê bên trên, thì sự tham gia vào các nhóm tiểu văn hóa (sub-culture) giúp cá nhân xây dựng mối quan hệ và từ đó xây dựng thế mạnh để phát triển sự nghiệp. Bằng cách tham gia vào những nhóm văn hóa cụ thể, chúng ta có thể kết giao với những người cùng sở thích và mở rộng mạng lưới giao tế xã hội. Cách đơn giản nhất để bước chân vào các nhóm văn hóa như thế là bắt đầu tham gia các tọa đàm và sự kiện bạn có thể tìm thấy trên mạng, đến các không gian và kết bạn, từ đó phát triển mạng lưới cho mình.
Lý thuyết nguồn vốn văn hóa của Pierre Bourdieu tuy đã được đề xuất gần nửa thế kỷ nhưng nó vẫn là một công cụ tư duy quan trọng trong lĩnh vực xã hội học, cũng như được vận dụng nhiều trong thực tế đời sống. Lý thuyết này ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hệ thống giáo dục và chỉ ra tầm quan trọng của giáo dục văn hóa – nghệ thuật trong nhà trường. Trong khi nhiều người còn cảm thấy mơ hồ về vai trò của văn hóa thì ý niệm của Bourdieu cho chúng ta cái nhìn vững chắc về ứng dụng của nó trong việc xây dựng lợi thế và bản sắc cá nhân trong một xã hội ngày càng năng động hơn.