Văn hóa - Di sản

Hơi thở đương đại trong ngôi nhà di sản

Ngôi biệt thự cũ giờ đây được khoác chiếc áo mới để trở thành không gian văn hóa Nam Thi House, nơi chốn thứ ba dành cho những người yêu mến Sài Gòn
Credit:
Trung Hiếu
author

Photographer

Illustrator

Illustrator

Vào những năm 1950, Sài Gòn đang trong giai đoạn chuyển mình từ một đô thị mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ điển sang những lựa chọn hiện đại và năng động hơn. Những biệt thự mới mang phong cách trang trí khỏe khoắn, tối giản xuất hiện dọc trên tuyến phố nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Những ngôi nhà này nằm trong mắt xích chuyển tiếp từ Art Deco sang phong cách Modernism giai đoạn đầu tiên, đánh dấu một thời kỳ đầy năng động của thành phố.

Căn biệt thự mà Nam Thi House lựa chọn để tạo dựng một nơi chốn thứ ba với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật quy mô nhỏ đã trải qua tuổi đời chừng bảy thập niên. Là một công trình khiêm tốn bên cạnh những di sản kiến trúc lớn của thành phố, ngôi nhà này như một tấm gương thầm lặng phản chiếu những ký ức của đô thị suốt chừng ấy năm tháng. Và câu hỏi được đặt ra ở đây là: làm thế nào để vừa giữ gìn vẻ đẹp mà ngôi nhà tích lũy qua năm tháng, lại vừa tạo ra đời sống mới cho di sản đáng quý này?

Theo thông lệ của ngành trùng tu, có nhiều lựa chọn khác nhau tùy thuộc vào giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật và mức độ bảo tồn đến thời điểm hiện tại. Lựa chọn phương pháp trùng tu phù hợp là đặt lên bàn cân những vấn đề nói trên để tìm ra phương án cân bằng và tối ưu nhất.

Những nguyên tắc thường được lựa chọn vận dụng[i] bao gồm:

1. Preservation (tạm dịch là bảo tồn nguyên trạng) là nguyên tắc xem xét toàn bộ lịch sử xây dựng của công trình như một quá trình trọn vẹn và mọi chi tiết đều cần được bảo lưu đúng như hiện trạng.

2. Restoration (tạm dịch là bảo tồn hoàn nguyên) là xem xét giai đoạn nghệ thuật xuất sắc nhất trong lịch sử của công trình để phục hồi lại đúng mốc thời gian đã chọn, các yếu tố được xây cất sau mốc thời gian gốc được xem là chi tiết biến dạng và cần được loại bỏ.

3. Reconstruction là dựng lại những công trình đã bị tàn phá nhằm mô phỏng những thực thể từng tồn tại trong quá khứ

4. Rehabilitation là hướng tiếp cận trong đó những yếu tố đặc sắc nhất của di sản được bảo tồn, bên cạnh đó bổ sung những hạng mục mới để phục vụ những nhu cầu mới trong xã hội đương đại.

Nhận thấy bảo tồn di sản là một hành trình bảo lưu những giá trị quý giá của quá khứ, bên cạnh đó không ngừng làm cho di sản tiếp tục có ý nghĩa trong thời đại mới, dự án Nam Thi House đã lựa chọn nguyên tắc bảo tồn ‘rehabilitation’ – vừa bảo tồn giá trị cốt lõi của thực thể di sản, vừa bổ sung thêm những công năng mới để biến tòa nhà di sản thành một trung tâm văn hóa đương đại. Như vậy, một di sản không phải là một hóa thạch đông cứng trong thời gian mà là một sinh thể sống động và tiếp tục đồng hành cùng những hoạt động văn hóa và tinh thần của xã hội đầy năng động.

Thực tế, đây là một hướng tiếp cận được nhiều cơ sở văn hóa và nghệ thuật trên thế giới lựa chọn, có thể kể đến một số ví dụ như bảo tàng d’Orsay ở Pháp và bảo tàng Balenciaga ở Tây Ban Nha.

Những vết tích thời gian được trân trọng:

  • Những chi tiết trang trí khỏe khoắn, tối giản của dòng kiến trúc Modernsim gian đoạn đầu ở Sài Gòn
  • Một chiếc cầu thang xoắn với những đường cong thanh lịch, điểm xuyết bởi lớp phủ terazzo đầy hoài niệm của thập niên 1950
  • Sắc hồng cam ấm áp của gạch cũ

Hơi thở của thời đại mới:

  • Một khối nhà năng động được bổ sung bên cạnh ngôi nhà di sản để mới và cũ đan cài
  • Một không gian tĩnh lặng giữa trung tâm thành phố, nơi ươm mầm tình yêu văn hóa nghệ thuật

Bằng cách cân bằng những ảnh hưởng mới và cũ, Nam Thi House đã lựa chọn gìn giữ những cốt tủy di sản và ký ức, đồng thời xây dựng một không gian nối kết để trở thành nơi chốn đi-về của những tâm hồn yêu quý di sản, văn hóa và nghệ thuật ở Sài Gòn.

________________________________________
[i] The Secretary of the Interior’s Standards for Treatment of Historic Properties

 

Bài viết khác