Thường thức nghệ thuật

Những tác dụng tâm lý của nghệ thuật

Vai trò của nghệ thuật là gì? Vì sao chúng ta cần nghệ thuật trong đời sống thường ngày? Đối với nhà triết học Alain de Botton thì nghệ thuật giúp chúng ta thấu hiểu chiều sâu cảm xúc của mình.
Credit:
Trung Hiếu
author

Photographer

Illustrator

Illustrator

Bất kể chúng ta là ai và làm công việc gì thì nghệ thuật đều cần thiết. Vì sao lại như vậy? Trong quyển sách Art As A Therapy (Nghệ thuật như một liệu pháp, viết cùng John Armstrong), Alain de Botton cho rằng nghệ thuật không đơn thuần là một loại hình thưởng lãm cao siêu mà còn có tác dụng chữa lành và giúp chúng ta tìm được niềm vui trong cuộc sống.

1. Nghệ thuật giúp lưu giữ ký ức

Nếu bạn cho rằng mình có trí nhớ rất tệ thì bạn không lẻ loi đâu. Tất cả chúng ta đều hay quên và lãng quên là một cơ chế thông thường của trí não con người. Chính vì vậy, nghệ thuật xuất hiện như một công cụ để ghi nhớ. Con người dùng nghệ thuật để lưu giữ những gương mặt thân yêu, kể lại những sự kiện lịch sử, khắc họa những giấc mơ. Nghệ thuật tạo ra một bộ khung cho trải nghiệm của chúng ta: “Nghệ thuật là một cách bảo lưu trải nghiệm, trong đó có nhiều trải nghiệm đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi, và chúng ta cần nghệ thuật để giữ gìn chúng”.

2. Nghệ thuật cho chúng ta hy vọng

Với Alain de Botton, lạc quan là một kỹ năng giúp chúng ta sống tốt hơn, và những loại hình nghệ thuật xinh xắn chính là chất xúc tác của hy vọng. Nghệ thuật đến bên cạnh để an ủi và cho ta thêm lạc quan vào cuộc sống. Chính vì thế mà nhiều tác phẩm nghệ thuật thường mang cảm giác tươi vui: những phong cảnh đẹp, những giỏ hoa đẹp, những màu sắc tràn đầy năng lượng. Chúng đóng hộp hy vọng và chờ chúng ta đến thưởng thức.

3. Nghệ thuật giúp chúng ta bớt cô đơn

Chúng ta thường phải trưng ra vẻ ngoài hạnh phúc để che giấu những đau khổ chìm ẩn. Trong mối quan hệ xã hội, mọi người thường tránh đề cập đến nỗi đau cá nhân. Nhưng với nghệ thuật, chúng ta được an ủi và tìm được đồng hành. Nếu những tác phẩm vui tươi góp thêm hy vọng thì những tác phẩm buồn nói với chúng ta rằng nỗi đau là một phần bình thường của cuộc sống. Nghe một bản nhạc buồn hay đứng trước một bức tranh xám úa không nhất thiết làm cho chúng ta trở nên bi quan hơn, mà nó vỗ về, xoa dịu và hướng chúng ta về những điều tích cực.

“Tôi có một nỗi buồn, bạn có một nỗi buồn, mỹ thuật của tôi chính là thứ giúp kết nối hai tâm trạng này hòa thành một.”Mark Rothko.

4. Nghệ thuật giúp tái cân bằng

Chúng ta đều biết rằng trạng thái cân bằng về cảm xúc là một điều cần thiết, nhưng không dễ gì đạt được điều đó. Nghệ thuật xuất hiện giúp chúng ta tìm thấy mảnh ghép còn thiếu để tái cân bằng trên thang bậc cảm xúc. Ngày nay, nhiều người trẻ mơ về những miền thôn quê yên bình hay núi non xanh mát, bởi chúng ta đang bị ồn ào của đô thị bủa vây và mất đi kết nối với thiên nhiên. Cũng giống như vậy, nước Anh thế kỷ 19 đã say mê tranh vẽ nông thôn của John Constable vì những nhà máy đã thả khói nghẹt cả bầu trời. Thứ mà một người hay một xã hội gọi là “xinh đẹp” chính là mảnh cảm xúc còn thiếu khuyết của họ, và nghệ thuật giúp chúng ta tròn đầy và hoàn thiện hơn.

Tranh của John Constable nhắc người dân Anh thời kỳ công nghiệp hóa nhớ về những khung cảnh thôn quê yên bình.

5. Nghệ thuật giúp chúng ta quý trọng vẻ đẹp thường ngày

Bằng nghệ thuật, các nghệ sĩ phô bày trước chúng ta vẻ đẹp của những sự vật đơn sơ mà chúng ta thường không chú tâm đến. Monet chỉ cho chúng ta thấy vẻ đẹp của ánh nắng trên một đống rơm thô. Van Gogh ca ngợi vẻ đẹp của hoa hướng dương. Những trang viết tinh tế của Marcel Proust làm chúng ta rung động khi một tách trà và chiếc bánh ngọt có thể kéo về bao nhiêu kỷ niệm của tuổi ấu thơ. Như vậy, nghệ thuật vén tấm màn để chúng ta nhìn vào thế giới theo một chiều kích hoàn toàn mới mẻ: thế giới của chúng ta tràn đầy vẻ đẹp.

Bằng cách nào chúng ta có thể thưởng thức nghệ thuật tốt hơn?

Trong một bài diễn thuyết, Alain de Botton đã kể lại một kỷ niệm thời niên thiếu khi ông đứng trước bức tranh của Mark Rothko. Đó là một bức tranh trừu tượng với những mảng màu bao la, ngoài ra không có hình ảnh gì khác. Đứng trước những vết màu ấy, cậu bé triết gia cảm thấy một nỗi buồn man mác khó diễn tả trỗi lên trong tâm hồn mình. Vậy mà những thông tin đính bên cạnh tác phẩm không giúp ích gì thêm cho cậu bé ngoài những dữ liệu nhàm chán như chất liệu, kích thước, năm sáng tác. Mãi về sau, de Botton mới đọc được một bài phỏng vấn Rothko, trong đó người họa sĩ phát biểu rằng tôi có một nỗi buồn, bạn có một nỗi buồn, mỹ thuật của tôi chính là thứ giúp kết nối hai tâm trạng này hòa thành một. Và ông đã vỡ òa trong khoảnh khắc đó.

Các thảo luận về nghệ thuật của Alain de Botton cho chúng ta một hình dung khác hơn về nghệ thuật. Theo đó, nghệ thuật không nhất thiết phải đòi hỏi những hiểu biết cao siêu, mà đến với nghệ thuật, quan trọng là chúng ta tìm thấy vẻ đẹp và những chiều kích cảm xúc để từ đó tô điểm cho trải nghiệm sống của mình.